Người sử dụng ma túy đá sẽ có những biểu hiện như thế nào?

Người sử dụng ma túy đá sẽ có những biểu hiện như thế nào?  Biện pháp xử lý khi gặp người ngáo đá?

Trả lời:

Người sử dụng ma túy đá thường có những hiểu hiện sau:

Chán ăn, mất ngủ, ăn mặc luộm thuộm, cẩu thả.

Hay cáu gắt, cục tính, hay quên, chóng quên, mạch tư duy lộn xộn hay lẫn lộn giữa hiện tại quá khứ và tương lai…

Bồn chồn, nói nhanh hoặc chậm hơn nhịp nói bình thường; nói năng không logic, nói lắp.

Hay nghiến răng; vặn vẹo người và chân tay một cách vô thức. Hay nói dối và sao nhãng trong học tập, bi quan và buông xuôi.

Nhu cầu chi tiêu tăng bất thường. Thường dễ tụ tập với nhóm người có nếp sống buông thả.

Bị “cuốn” vào một việc cụ thể như nghe nhạc, chơi games, sửa chữa đồ đạc trong nhà hoặc thoát lạc trong những cơn cuồng tình dục.

Biểu hiện rõ rệt là không ngủ trong nhiều ngày liền mà vẫn cảm thấy không mệt mỏi.

Để có thể nhận biết nhanh người sử dụng/nghiện ma túy đá, chúng ta có thể quan sát những dấu hiệu sau:

Mắt đảo qua đảo lại, đồng tử nở rộng

Đi vệ sinh liên tục, rửa tay liên tục

Khát nước liên tục, rất thích/háo nước ngọt, sụt cân và gầy đi rất nhanh

Mồ hôi có mùi khai

Xuất hiện quầng thâm mắt rõ rệt

Da nhăn nheo, nhiều mụn trứng cá lở loét trên cơ thể

>>  Những điều cần biết về ma túy tổng hợp

Men răng hỏng, miệng khô và hơi thở có mùi, có vết bỏng trên môi hay ngón tay.

Hay bị chảy máu mũi

Cơ thể bị hội chứng “kiến bò dưới da”

Ảo giác và sự thay đổi thất thường tâm trạng, chính là biểu hiện rõ nét nhất của những người nghiện ma túy đá lâu năm.

Một số biện pháp xử lý khi gặp người “ngáo đá”

Trước tiên, người thân cần có thái độ thật bình tĩnh và đồng thời phải xác định lúc này cần cuốn theo dòng hoang tưởng của họ. Nghĩa là nếu nạn nhân nói “đang có người đuổi theo truy sát”…thì người nhà cần có thái độ ân cần, đồng cảm, rồi nhẹ nhàng khuyên và hỗ trợ họ nằm xuống.

Lấy đá lạnh chườm lên khắp người nạn nhân, chườm lên trán họ.

Thân nhiệt nạn nhân sẽ dần hạ xuống, người nhà cần liên tục nói nhẹ nhàng “hãy yên tâm” (vẫn phải cuốn theo dòng hoang tưởng của nạn nhân) và có những cử chỉ xoa dịu, thể hiện mức độ quan tâm ân cần.

Có thể nói chuyện với nạn nhân như “đã bố trí người cảnh gác cẩn thận, bảo vệ rất chu đáo rồi…”. Khoảng 1 giờ sau, thân nhiệt nạn nhân lúc này đã hạ xuống và họ sẽ thèm nước, khát nước, thèm ăn. Cường độ hoang tưởng thưa dần, nạn nhân sẽ thèm ngủ, buồn ngủ.

Đến lúc này nạn nhân mới vừa thoát khỏi cơn “ngáo đá”. Liền sau đó, người nhà nên nhanh chóng đưa nạn nhân đến các trung tâm cai nghiện, giúp họ phục hồi và lấy lại tinh thần.

>>  Cách để Vượt qua Cơn Nghiện Ma túy đá

Đỗ Trọng Tuân – Chuyên gia tâm lý PSD