Gần 20 năm gắn bó với công việc cai nghiện ma túy cho người nghiện, bà Hà Mỹ Hòa (Giám đốc Trung tâm Tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn) đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp thoát khỏi “cái chết trắng”. Nhiều người đã hết nghiện và vẫn thường quay về thăm má Hòa.
Với cả tình thương…
Trung tâm Tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn (khu phố 3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) mới xây dựng và đưa vào sử dụng đầu năm 2013. Khu vực điều dưỡng (dành cho bệnh nhân sau khi cắt cơn nghiện) có sân chơi rộng rãi, hồ bơi, tập tạ, bóng bàn… giúp các học viên mau chóng phục hồi sức khỏe cũng như sảng khoái về tinh thần. Khi bà Hà Mỹ Hòa đi đến đâu thì các nhóm học viên cũng đều lễ phép chào bà với cái tên thân thiện… má Hòa. “Tôi đã đối xử với họ bằng chính tình thương của người chị, người mẹ lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm. Từ đó, họ mới xưng hô thân mật với tôi như vậy”, bà Hòa chia sẻ.
Học viên P.L.V (36 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) cho biết, trước đây anh làm nghề tài xế chạy xe tuyến Bắc – Nam. Bị bạn bè rủ rê, anh đã tham gia thử “cái chết trắng” từ năm 1998. Anh đã đi cai nghiện nhiều lần ở khắp nơi nhưng rồi vẫn tái nghiện. Được người quen giới thiệu về cơ sở cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn, anh đến thử điều trị xem sao.

“Không ngờ vào đây, tôi được má Hòa tận tình giúp đỡ nên sức khỏe tôi phục hồi nhanh. Chữa trị được hơn 1 tháng qua, bây giờ tôi không còn cảm giác thèm thuốc nữa, cơ thể rất khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn. Tôi xin gia đình nán lại đây đến khi nào sức khỏe thật sự đảm bảo, má Hòa đồng ý cho về thì mới về”, anh P.L.V. tâm sự.
20 năm giúp người nghiện tìm lại cuộc đời
Quê gốc của bà Hà Mỹ Hòa vốn ở Hà Tĩnh. Ngày xưa, bà làm giáo viên ở một vùng xa xôi của tỉnh Đắk Lắk. Một lần, có dịp đến khu Liên hiệp lâm – nông – công nghiệp Ea Súp, bà thấy nhiều công nhân bị sốt rét rừng, bị tai nạn lao động… Có trường hợp đưa đi bệnh viện không kịp và đã chết. Trước cảnh ấy, bà quyết định nghỉ dạy, chuyển sang học y để về xin phục vụ tại Ea Súp.
Năm 1996, bà vào Đồng Nai xin làm ở trạm y tế của một xã thuộc huyện Trảng Bom. Sau đó, bà quyết định lên Sài Gòn tìm một việc làm ổn định để có thời gian học thêm về y dược. Cuối cùng, bà cũng được một tổ chức phi chính phủ ở TP. Hồ Chí Minh mời tham gia chương trình “Giá trị sống”. Công việc của bà là đi tuyên truyền, tư vấn về kỹ năng sống cho người nghiện ma túy ở các trung tâm cai nghiện. Nhờ đó, bà được giới thiệu vào làm việc ở Trung tâm Cai nghiện ma túy Bình Minh. Duyên nghiệp cai nghiện ma túy cũng bắt đầu bén rễ với bà Hòa từ dạo ấy cho đến nay.
Trong những năm tháng gắn bó với công việc, bà Hòa đã gặp không ít những khó khăn, vì một số người cai nghiện tìm cách đối phó. “Có lần, một học viên đã cắt cơn đến ngày thứ 3 rồi mà vẫn thèm ma túy. Để thoát ra ngoài tìm thuốc nhằm thỏa mãn cơn nghiện, người này đã giật đứt bóng đèn rồi đập vỡ, cắt vào tay cho chảy máu nhằm tạo áp lực cho cán bộ trung tâm. Lúc đó, nếu để lực lượng bảo vệ vào can thiệp thì đối tượng còn có thể làm càn, gây nguy hiểm cho nhiều người. Cho nên, tôi đã dùng tình thương của một người mẹ nói chuyện nhẹ nhàng với học viên. Mãi 30 phút sau, học viên mới dịu lại và nghe theo lời khuyên bảo của tôi”, bà Hòa nhớ lại.
Gần 20 năm nay, bà Hòa đã dành hết tâm huyết vào công việc cai nghiện ma túy cho những cuộc đời lầm lỡ. Bà cũng đã giúp đỡ cho nhiều “con nghiện” trở lại cuộc sống có ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, bà Hòa cũng buồn bã khi nhắc đến một số trường hợp tìm đến bà thì đã muộn vì nghiện quá nặng, lại còn nhiễm HIV giai đoạn cuối. Họ đã trốn trại để sử dụng ma túy, do dùng quá liều dẫn đến chết sau đó.