Chương trình tư vấn kỹ năng phòng chống tái nghiện ma túy đi sâu nhấn mạnh: Cuộc chiến với ma túy là trường kỳ nhưng sẽ bớt chông gai hơn khi người nghiện trang bị cho mình những kỹ năng phòng chống tái nghiện. Trong đó, có kỹ năng xử lý tình huống nguy cơ là một trong những kỹ năng quan trọng trong quá trình điều trị chống tái nghiện. Các tình huống có nguy cơ là những tác nhân, hoàn cảnh, môi trường cùng các cảm xúc tiêu cực dẫn đến thôi thúc tái sử dụng ma túy. Vấn đề đặt ra là: Người nghiện nên làm thế nào trước những tình huống nguy cơ dẫn đến tái sử dụng ma túy?
Tình huống: Gặp lại bạn nghiện
Trên thực tế, đa phần người nghiện gặp lại bạn nghiện cũ đều tái nghiện trở lại. Việc đưa ra tình huống này sẽ cung cấp một số kỹ năng chống tái nghiện khi người nghiện gặp lại những người bạn đã và đang sử dụng ma túy.
Có thể thấy một ví dụ: A và B là hai bạn nghiện đã từng cùng sử dụng ma túy với nhau. Sau khi vừa cai nghiện trở về, A gặp lại B. Qua vài phút chào hỏi và tiếp xúc: A cảm nhận được mùi mồ hôi trên cơ thể B, nhìn thấy dáng điệu, ánh mắt của B khiến A thở gấp và nhịp tim đập mạnh dù A và B chưa nói chuyện về ma túy.
Khi đó, B chính là tác nhân khiến A gợi nhớ quá trình từng sử dụng ma túy với B, việc nhớ lại hình ảnh đó dẫn đến A bị căng thẳng tâm lý và thể chất. Trường hợp này, A nên chủ động chuyển việc suy nghĩ về ma túy sang một suy nghĩ và hành động khác tích cực hơn, như: nghĩ đến các hoạt động yêu thích ( thể thao, âm nhac…) làm bản thân bận rộn hơn, tránh nghĩ về ma túy. Hoặc A có thể tự nhủ bản thân: “ Cơn thèm nhớ sẽ qua nhanh thôi, ai cũng gặp phải và mình sẽ không sao đâu”.
Trường hợp, cuộc nói chuyện vẫn được duy trì và B rủ A sử dụng ma túy. Có thể rủ một lần A vẫn giữ quyết tâm không dùng ma túy, nhưng sau khi B nài nỉ, dụ dỗ, kích động:” Ông hèn thế. Dùng nốt lần này thôi, tôi đố ông nghiện lại được đấy”, A có thể lung lay ý chí và theo B đi sử dụng ma túy.
Trong câu chuyện này, sự thay đổi quyết định của A là do tâm lý cả nể ( ngại từ chối) hoặc do tâm lý muốn chứng tỏ bản thân trước những lời thách đố, rủ rê của bạn nghiện. Do vậy, người nghiện cần hiểu: Nếu như không làm chủ được tâm lý thì việc duy trì thời gian tiếp xúc với bạn nghiện càng lâu sẽ kéo theo những hình ảnh gợi nhớ về ma túy càng rõ rệt, dẫn đến tâm lý căng thẳng và mong muốn sử dụng ma túy càng được thôi thúc.
Vì vậy, bạn nên xác định tâm thế khi trở về sau cai sẽ không tránh khỏi việc gặp lại bạn nghiện cũ, lúc này bạn cần xác định thời gian cùng trò chuyện với bạn nghiện trong khoảng thời gian ngắn (dưới 5 phút) và xin phép ra về. Nếu như bạn nghiện rủ rê, lôi kéo, bạn nên đưa ra lời từ chối khéo, sử dụng lời nói “ không” một cách kiên quyết và rõ ràng: “Không, tôi không bao giờ dùng ma túy dù anh có đe dọa hay trừng phạt”. Sau đó đưa ra lý do để ngừng cuộc nói chuyện:” Tôi phải về giải quyết việc gia đình”, tránh nói lời “ xin lỗi” hay trả lời mập mờ “hẹn lúc khác”.
Bên cạnh đó, luyện tập thư giãn khi gặp lại bạn nghiện hay đi qua nơi từng mua bán thực sự quan trọng, bạn nên chú ý hít thật sâu, thả lỏng và thư giãn, lặp lại tình huống nhiều lần, từ đó, sự căng thẳng được suy giảm, sự phản ứng của cơ thể trong chuỗi kích thích phản ứng không còn.
Tình huống: Người nghiện nói chuyện, bình luận về chủ đề liên quan đến ma túy
Người nghiện có xu hướng cùng nói chuyện với nhau về ma túy, dù bắt đầu nói chuyện về những chủ đề khác nhau nhưng cuối cùng nội dung luôn xoay quanh vấn đề ma túy. Ví dụ: Các học viên trong Trung tâm mỗi khi rảnh rỗi, hết giờ làm việc, sinh hoạt ăn uống, thường nói chuyện phiếm với nhau, ban đầu là những nội dung về gia đình, công việc : “ Dạo này anh làm ăn thế nào?” hay các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa… Tuy nhiên, đến cuối cùng lại quay trở về nội dung liên quan đến ma túy:” Gần đây công việc mệt mỏi, căng thẳng quá, nếu như trước đây là tôi làm một liều cho tỉnh táo ngay”. Chính ngôn ngữ, lời nói về ma túy khiến cho các hình ảnh, sự kiện, đặc biệt là cảm giác về ma túy thay vì bị quên lãng và suy yếu đi thì lại được ghi nhớ và khắc sâu vào não bộ.
Chính vì vậy, bạn nên hạn chế nói về ma túy và nên nói về nội dung mang tính chất xây dựng tích cực (niềm tin, quyết tâm cùng các giải pháp), ví dụ: “ Mỗi lần căng thẳng, mệt mỏi hãy thư giãn và thả lỏng cơ thể” hay cùng nhau chia sẻ những kỹ năng hỗ trợ trong quá trình cai nghiện, thay vì chia sẻ những cảm xúc lâng lâng, kích thích do ma túy mang lại hay chia sẻ thông tin mua bán ma túy.
Tình huống tiếp theo: Đối mặt với sự kỳ thị
Một trong những tình huống nguy cơ phải kể đến tiếp theo đó là sự kỳ thị của gia đình, cộng đồng xã hội và sự tự kỳ thị của chính những người nghiện. Sự kỳ thị đến từ việc cộng đồng xã hội coi người nghiện là tội phạm, người gây nguy hiểm, chẳng hạn:” thấy cậu hàng xóm nghiện sang nhà chơi, chủ nhà sai con cái cất điều khiển ti vi hoặc cất đồ dùng, vật dụng có giá trị trong nhà”. Và sự tự kỳ thị là việc bản thân người nghiện tự nhìn nhận rằng mình sai trái và khác biệt nên tự cô lập, tách biệt với xung quanh. Nhiều trường hợp người nghiện không vượt qua được những sự kỳ thị và phân biệt từ gia đình cũng như cả cộng đồng, dẫn đến việc họ trượt dài vào ma túy để tìm quên, để buông xuôi.
Trước hết, người nghiện ma túy không nên tự kỳ thị, bởi điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và hòa nhập của bản thân với cộng đồng, người nghiện ma túy nên bỏ qua mặc cảm xấu hổ và tội lỗi, khoác lên mình sự tự tin và chân thành với những người xung quanh, thể hiện mong muốn và phấn đấu trong cuộc sống để kết nối với mọi người, chẳng hạn:” Cô chú yên tâm, giờ cháu đã cai nghiện được rồi, cháu đến chơi với gia đình và mong được cô chú chỉ bảo trong cuộc sống”. Khi đó người nghiện được chia sẻ, được thể hiện bản thân và mọi người xung quanh có thể động viên và hỗ trợ. Do đó, người nghiện ma túy nên phát huy những năng lực của bản thân, vượt qua dư luận để khẳng định bản ngã, lấy lại sự tự tin và ủng hộ từ phía gia đình và cộng đồng.
Trên đây là một trong số rất nhiều các kỹ năng xử lý tình huống nguy cơ trong phòng chống tái nghiện mà người nghiện ma túy cần được cung cấp và trang bị sau khi trở về từ các Trung tâm cai nghiện. Trong quá trình thực hiện chương trình, anh Lê Trung Tuấn đã lồng ghép vào đó những câu chuyện tâm tình về những nỗi thăng trầm trong cuộc sống và lồng ghép vào đó sự đồng cảm, tin yêu với những mảnh đời còn đang loay hoay tìm lối thoát. “ Sau những nội dung tư vấn hôm nay, những ai thực sự muốn từ bỏ ma túy?” Câu hỏi anh Lê Trung Tuấn đặt ra như một lời tự vấn với chính bản thân mỗi học viên, từng cánh tay giơ lên vừa lặng lẽ vừa quyết liệt. Chúng tôi nhận ra sự quyết tâm như những con sóng lan tỏa đến từng ngõ ngách của lòng người. Cuối cùng, trong lời phát biểu bế mạc chương trình, anh Lê Trung Tuấn giành tặng tới tất cả các học viên câu nói: “Để đi đến thành công thì không có sự bỏ cuộc!”