Tránh xa ma túy, hiểm họa chết người

Nghiện ma túy là một tệ nạn xã hội và là thảm họa cho bản thân, gia đình. Người nghiện bị lệ thuộc vào ma túy và chỉ còn biết làm sao để có tiền thỏa mãn cơn nghiện ma túy. Nếu nghiện ma túy nhóm thuốc phiện (Morphine, Heroin, Dolargan, Pethidine…) thì khi không có thuốc (sau 8- 12 giờ) để sử dụng nạn nhân bị “Hội chứng cai thuốc” hành hạ ghê gớm vì cơn “vã thuốc”, các triệu chứng lần lượt xuất hiện: nhẹ thì ngáp dài, chảy nước mắt, nước mũi, vã mồ hôi; vừa thì thân nhiệt tăng, hô hấp tăng, huyết áp tăng, tăng cảm giác lo âu, bồn chồn, đứng ngồi không yên, mất ngủ; nặng thì run rẩy, nổi da gà, giãn đồng tử, sùi bọt mép; rất nặng thì buồn nôn, ói mửa, co giật, đau đớn quặn quại, cảm giác như có trăm, ngàn dòi bọ rúc trong xương tủy. Người nghiện ghê sợ bởi cơn nghiện hành hạ nên bằng mọi cách phải có tiền để hút, chích. Từ đấy mới sinh ra mọi tội lỗi, nhẹ như lừa gạt người khác để có tiến, đến trộm cắp vặt, rối đến cướp giật, mắc tội hình sự khác. Nhưng dù có thật nhiều tiền để thỏa mãn cơn nghiện rồi cũng sẽ chết dần vì tác hại của ma túy hay vì những bệnh mắc phải như lao, HIV, viêm gan siêu vi B, C, hoặc viêm tắc mạch máu phải cắt bỏ chi, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm cơ tim hoặc chết ngay vì sốc thuốc hay dùng ma túy quá liều hoặc chết do tai nạn tự mình gây ra vì phê thuốc (ngáo đá, ảo giác…). Trong thời gian sống còn thì vì mất lòng tin nên bị mọi người xa lánh, ghẻ lạnh kể cả người trong gia đình, cuộc sống cô đơn, cô độc cũng thật là buồn thảm.


Tác hại của m túy (ảnh minh họa)

Điều trị nghiện ma túy là một công tác vô cùng khó khăn và phức tạp vì nghiện ma túy liên quan đến nhiếu nhân tố bệnh lý, tâm lý, xã hội và sinh học. Điều trị cắt cơn nghiện về mặt cơ thể thì tương đối dễ dàng và nhanh chóng, chỉ  trong vòng 10 – 15 ngày. Nhưng điều trị trạng thái nghiện ma túy mạn tính hay điều trị trạng thái lệ thuộc ma túy về mặt tâm thần thì rất khó khăn, phải điều trị lâu dài và bản thân người nghiện phải có ý chí quyết tâm từ bỏ ma túy, kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ như tâm lý trị liệu, sự hỗ trợ, động viện thường xuyên của gia đình và chính quyền, các tổ chức xã hội tạo ra môi trường không có ma túy, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện có được công việc làm ăn thường xuyên và sống trong môi trường tích cực để “chống tái nghiện”.

>>  Trùm ma túy Tàng Keangnam

Ảnh minh họa

Theo nhiều thống kê, người nghiện ma túy hầu hết là người tuổi trẻ và một số người nghiện đang là sinh viên, học sinh. Nguyên nhân nghiện ma túy thì rất nhiều, đa số là do đua đòi của nhóm tuổi trẻ, tập tò hút thuốc lá, rượu bia, rồi “cắn ma túy đá” rồi đến hút, chích ma túy; Hoặc do chán nản, suy sụp, muốn quên đi thực tế phủ phàng (hỏng thi, thất tình, thất bại trong kinh doanh, trong sự nghiệp); hoặc do bị rủ rê, ép buộc thường xảy ra ở những nơi khai thác vàng, khai thác mỏ quý, người chủ muốn người làm công lệ thuộc bằng ma túy; Hoặc trong nhóm xã hội đen để trấn áp nỗi sợ hãi và giải tỏa bế tắc; hoặc những người lang thang, vô gia cư và kể cả giới thượng lưu chơi theo “mo-đen” hưởng thụ tận cùng. Nguy hại hơn cả là sự phổ biến sử dụng các loại ma túy tổng hợp đại trà trong nhóm trẻ hiện nay (thuốc kích thích thần kinh nhóm Amphetamine, thuốc gây ảo giác như LSD (Lysergic Acid Diethylamide) đã gây nhiều vấn đề trật tự xã hội nguy hiểm, tai nạn giao thông, đánh người và cả việc gây án hình sự trong lúc “Ngáo đá” hoặc ảo giác do quá phê.

Đừng thử ma túy dù chỉ một lần (Ảnh minh họa)

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, tốt nhất là cần phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho mọi người biết được và luôn nhớ rõ tác hại của ma túy và cần phải tránh xa ma túy, không bao giờ tạo điều kiện (vô tình hay cố ý) để bất cứ ai tiếp cận với ma túy. Gia đình là nơi sinh ra và nuôi dạy con người lớn lên nên ảnh hưởng của cha mẹ là rất lớn. Kinh tế khó khăn, ý chí làm giàu đã làm cho mọi người trong gia đình ít còn quan tâm nhau, sự trống trải trong tình cảm gia đình đã đưa đẩy các em dễ sa ngã vào tay kẻ xấu. Chủ nghĩa cá nhân đang được lan truyền, ca tụng như một phương pháp giải phóng cá nhân khỏi mọi ràng buộc “trách nhiệm” nên dễ có tâm lý thích làm mọi thứ kể cả sống buông thả, bất cần đời và “nghiện ma túy”. Sự cung cấp quá dư dả tiền bạc cho tuổi trẻ cũng là “miếng mồi” cho kẻ xấu dụ dỗ vì không ai rủ rê kẻ không tiền đi chơi ma túy cả. Do đó phận làm cha mẹ phải gương mẫu trong lối sống lành mạnh, quan tâm với con cháu nhiều hơn, như là người bạn đồng hành để “lắng nghe trẻ nói” mà hiểu tâm trạng của con, đáp ứng tình cảm của trẻ đồng thời dùng tình cảm để dẫn dắt con trên con đường đời. Hãy dạy con biết sống cần kiệm, biết chia sớt cho người khó khăn hơn, biết “cho là nhận được nhiều hơn”. Nhà trường là nơi giáo dục cho trẻ em trở thành người có học thức, có nhân cách, có kỹ năng sống và sống văn minh, luôn dạy cho các em biết thế nào là tự do, nhân quyền, làm cho các em thấy rằng sống theo kiểu tự do quá đáng, “tự do xâm hại cả danh dự, quyền lợi, sức khỏe của người khác”, quên cả trách nhiệm, nghĩa vụ thì không thể chấp nhận được. Rất mong thầy cô tiếp tục xem các học sinh như con cháu chính mình, trên thông tin đại chúng đưa lên nhiều gương sáng, nêu việc nhiều thầy cô đã không thành kiến với các học sinh “cá biệt” mà tận tâm tìm hiểu hoàn cảnh thực tế của các em, đã giúp cho nhiều học sinh vượt qua trở ngại tâm lý và đã trở thành người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Xã hội hãy tạo ra nhiều “sân chơi” đa dạng thêm cho các em chọn lựa, nội dung, chương trình phải sát nhu cầu thực tế, để thu hút được các em đến với môi trường tích cực, sống với niềm tự hào tuổi trẻ hôm nay, quyết tâm rèn luyện để thành người, góp phần tạo dựng gia đình và xây dựng đất nước.

>>  Tài liệu nghiên cứu về ma túy đá - Methamphetamine do giáo sư Peter Banys soạn thảo

Trung tâm Truyền thông
Giáo dục sức khỏe