Cơ sở cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn

Tọa lạc tại khu phố 3, thị trấn Trảng Bom, cơ sở cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn (được Bộ Lao động- Thương binh Xã hội cấp phép hoạt động ngày 30/1/2013) bằng nội lực, tâm huyết của mình đã và đang ầm thầm giúp cho những con người lạc lối tìm lại cuộc sống đúng nghĩa. Qua hơn một năm họat động, cơ sở tiếp nhận 200 học viên vào cai nghiện, tỷ lệ tái nghiện quay lại cơ sở chỉ chiếm 20%.

Chúng tôi đến cơ sở cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn vào một ngày nắng dịu. Từ xa đã thấy thấp thoáng những học viên trong chiếc áo xanh đang cắt tỉa cây cảnh. Với suy nghĩ “trại cai nghiện” là một thế giới riêng, nơi chỉ có những cơn đói thuốc vật vã, những cánh tay lở loét hay chạm trổ, những ánh mắt dữ dằn, vậy nhưng khi bước vào đây, tôi mới thấy hoàn toàn ngược lại.

Vừa say sưa tưới tắm cho đàn heo, chàng trai có dáng người tầm thước chậm rãi tâm sự về cuộc đời mình. Sinh ra trong gia đình khá giả ở TPHCM; sau khi học xong trung học phổ thông, thi không đậu đại học, nơi phồn hoa đô thị, sẵn có tiền, anh đã “dính” vào ma túy lúc nào không hay. Suốt ngày lêu lổng với đám bạn nghiện ngập, gia đình tá hỏa, đưa đi cai nghiện nhiều nơi nhưng kết quả không như mong muốn. Cách đây 3 tháng, tình cờ biết được cơ sở Hà Nguyễn, gia đình đưa anh vào cai nghiện; những ngày đầu quả là một cực hình, những lúc lên cơn đói thuốc, anh vật lộn, rên rỉ, khóc lóc. Điều dưỡng của cơ sở vẫn kiên trì động viên, cho dùng các loại thuốc cắt cơn, vật lý trị liệu. Có lúc, đích thân bà Hà Mỹ Hòa- Giám đốc cơ sở gần gũi, khuyên bảo, tâm sự như một người mẹ với đứa con trai lầm lạc. Đến nay, tình trạng đói thuốc giảm dần, anh đã cắt được cơn và chuyển sang giai đoạn điều trị tích cực, tham gia lao động cắt tỉa cây cảnh, chăn nuôi heo, gà, chơi bóng bàn, tập tạ, tập bơi.

>>  Morphin có phải ma túy không? Cách cai nghiện Morphin hiệu quả

Một học viên khác ở TT Trảng Bom đã có “thâm niên” sử dụng ma túy nhiều năm. Anh ta trở thành gánh nặng của gia đình, bao nhiêu tài sản trong nhà đều đội đón ra đi theo làn khói trắng. Cách đây 6 tháng, gia đình đưa vào đây cai nghiện; cũng như nhiều người nghiện khác, những ngày mới vào cơ sở đối với thanh niên này là một cực hình với những cơn đói thuốc vật vã, những lần sợ đụng vào nước tắm. Phải mất hơn 1 tháng vừa nhỏ nhẹ thuyết phục, vừa đưa người khác ra làm gương, các cán bộ mới dần cảm hóa và làm cho anh dần hiểu ra, chấp hành các quy định của cơ sở, trở thành học viên tốt, chăm lo cai nghiện.

Các học viên đang lao động, chăm sóc cây cảnh

Các học viên đang lao động, chăm sóc cây cảnh
Các học viên đang lao động, chăm sóc cây cảnh

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm mảnh đời lầm lỗi đã được cứu rỗi sau khi trở thành học viên của cơ sở. Với mục tiêu chung là đoạn tuyệt với “cái chết trắng”, với “nàng tiên nâu” để trở thành người tốt, người có ích cho xã hội. Dẫn chúng tôi dạo quanh cơ sở, bà Hà Mỹ Hòa hướng mắt nhìn về phía những học viên đang say sưa chăm sóc đàn gà mà tâm sự rằng, nhiều người vẫn nghĩ, thế giới của người nghiện kinh khủng lắm, vào đây luôn phải đề phòng này khác. Nhưng phải sống với họ, đồng cảm và chia sẻ với họ thì mới biết được thế giới của họ như thế nào. Vừa nói, bà Hòa vừa giới thiệu đàn gà, đàn heo trong chuồng và tự hào khoe: “Đây là thành quả của các học viên sau cắt cơn. Khi đã cắt được cơn, dứt được ma túy thì họ hiền lành lắm”.

>>  Đồng Nai: Tăng cường dạy nghề cho người nghiện ma túy

“Đội ngũ cán bộ- nhân viên ở đây xác định, “nghề cai nghiện” rất công phu, phức tạp, đòi hỏi phải có kỹ năng, nghiệp vụ bởi cán bộ vừa phải thực hiện việc cắt cơn, vừa chữa bệnh, vừa ngăn chặn các hành vi manh động của học viên mỗi khi đói thuốc, thậm chí phải tiếp xúc thường xuyên với những người nghiện đã bị nhiễm HIV hoặc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao phổi”- Bà Hòa bày tỏ.

Điều đó đòi hỏi mỗi người phải có tâm huyết và quan trọng nhất là phải có tình thương yêu, tuyệt đối không xa lánh, kỳ thị các học viên vì bất cứ lí do nào. Ở đây, mỗi người đều coi cơ sở như gia đình, coi học viên như con để xây dựng gia đình và dạy bảo. Trong đại gia đình ấy, “bố mẹ” phải là người nêu gương cho con cái. Nữ điều dưỡng trẻ Lê Thị Thu Hiền cho biết, chị quê ở Đắc Nông, chưa lập gia đình, vào đây làm việc, chỉ nghĩ đơn giản là công việc tạm thời nhưng khi hiểu rõ về nghề rồi thì chị không còn ý định đó nữa, mà tự lúc nào, cô gái trẻ ấy thấy mình đã thật sự gắn bó cơng việc đặc biệt này.

“Chúng tôi là những người dính đến ma túy. Bên ngoài, chúng tôi bị người thân, bạn bè kỳ thị và xa lánh, nhưng khi ở cơ sở, chúng tôi thấy mình được tôn trọng, được đối xử công bằng và được cảm thông, chia sẻ. Quan trọng là được đón nhận được tình yêu thương, nên chúng tôi đều nỗ lực để sớm dứt bỏ được ma túy”-một học viên tâm sự.

>>  Người phụ nữ nặng lòng với cái chết trắng

Rời cơ sở cai nghiện ma túy Lê Hà Nguyễn, suốt dọc đường, tôi cứ nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ: “Đối với những ai lầm đường lạc lối, chúng ta phải dang rộng đôi tay, cảm hóa họ, phải khoan hồng độ lượng…” mà tất cả cán bộ, công nhân viên ở cơ sở đều thuộc lòng và lấy làm mục tiêu, động lực để phấn đấu.

Văn Hải – Theo trang tin Trảng Bom – Đồng Nai